Thị trường ô tô thế giới chao đảo vì dịch

Vẫn biết COVID-19 tác động đến nền công nghiệp sản xuất toàn cầu, nhưng có vẻ cũng như con người, những hãng xe cao tuổi ở “lục địa già” đang gặp khó khăn lớn hơn.

Khủng hoảng toàn diện

Kinh tế thế giới đang hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử. Ngành công nghiệp ô tô cũng không tránh khỏi tác động. Khủng hoảng đang diễn ra ở tất cả các khâu từ cung đến cầu.

colourbox43288654.jpg

Vốn là một ngành công nghiệp có tính quốc tế hóa cao, các hãng xe lớn không còn gói gọn trong một quốc gia mà thường là các tập đoàn, liên minh xuyên quốc gia có thể kể đến: Fiat-Chrysler (Ý – Mỹ), Renault–Nissan–Mitsubishi (Pháp – Nhật), Volvo (Thụy Điển – Trung Quốc),… Khi COVID-19 diễn ra, buộc tất cả các chính phủ phải tiến hành phong tỏa, giãn cách (dù ở các mức độ khác nhau) để tránh dịch bệnh lây lan. Điều này làm gián đoạn nghiêm trọng các chuỗi cung ứng về cả nguyên liệu và thành phẩm, tác động lớn đến nguồn cung.

Chiều ngược lại, dịch bệnh cũng khiến người dân giảm mạnh nhu cầu đi lại và tác động mạnh đến tình hình tài chính của mọi người, khiến nhu cầu mua xe cũng giảm mạnh. Thị trường Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bùng phát dịch và tiến hành cách ly đầu tiên, cũng bị ảnh hường trước. Trong tháng 2, số lượng xe bán ra tại thị trường này giảm đến 82% so với cùng kỳ năm trước. Dịch bùng phát chậm hơn khoảng 1 tháng, thị trường châu Âu và Mỹ cũng giảm lần lượt là 46% và 39%.

Dấu hiệu hồi phục

Tuy vậy, thị trường Trung Quốc đã trên đà hồi phục nhanh nhờ thành công chống dịch. Sau 2 tháng giảm mạnh, đến tháng 4, thị trường Trung Quốc đã gần đạt con số của năm ngoái (giảm 3%), sang tháng 5, lượng bán đã tăng đến 11.7%. Thị trường Mỹ cũng có nhiều khả quan, Mỹ đã không để mức giảm đến 80% như TQ và EU, mà chỉ ở mức lần lượt là 39% và 52%, sang tháng 5 Mỹ đã bắt đầu chặn đà giảm sâu, con số ở mức giảm còn khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước.

screenshot_1593512379.png

Các thị trường khác cũng có những điểm tươi sáng nhất định, Nhật Bản tuyên bố dịch khá muộn, còn số giảm trong tháng 4 và 5 chỉ lần lượt là 29% và 55%, thấp hơn so với dự đoán. Toyota đã hạ mức giảm sản lượng xe chỉ còn 10% so với con số 30% hãng đã dự kiến hồi tháng 3. Ấn Độ được dự đoán là nước sẽ chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nhất từ COVID-19, đã chứng kiến mức giảm đến 85% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 5 vừa qua, tuy vậy, đây không phải là thời điểm cao điểm về mua bán xe ở thị trường này (thường là cuối năm). Đánh giá về lâu dài, đây vẫn là thị trường có khả năng tăng trưởng ổn định. Đông Nam Á là một thị trường tăng trường khá tốt trong thời gian dài cũng chứng kiến mức giảm kỷ lục trong suốt 30 năm qua lên tới 40% với tháng 3. Các thị trường Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Phillipine, Việt Nam đều chứng kiến con số giảm trong tháng so với cùng kỳ lớn nhất theo thống kê về thị trường ô tô các nước này. Sự suy giảm này đang hồi phục trở lại, tùy tình hình dịch bệnh tại từng quốc gia. Riêng tại Việt Nam, Quý 1, đã chứng kiến sự suy giảm lượng xe bán ra lớn nhất so với các quốc gia Đông Nam Á khác và so với lịch sử thị trường ô tô Việt Nam. Tuy vậy, đây là chính sách do chủ động ngăn chặn dịch sớm và quyết liệt. Dự báo nhờ chống dịch hiệu quả và chính sách hỗ trợ (như giảm 50% thuế trước bạ) thị trường ô tô Việt Nam sẽ bật tăng nhanh trở lại trong tháng tới.

Châu Âu già nua

Nhưng Châu Âu thì vẫn đen tối, sau tháng 4 thảm họa khi số lượng bán ra giảm đến 80%, tháng 5, tuy có khởi sắc nhưng chưa nhiều, còn số giảm vẫn ở mức gần 60% so với năm ngoái. Nhưng con số ở từng quốc gia là khác nhau. Ở Anh, quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu, con số này lên tới 89%, ở Tây Ban Nha là 72%, Đức là 50%. Số liệu trong tháng 6 chưa được tổng hợp đầu đủ nhưng dự kiến là không quá khả quan. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do các gói kích cầu kinh tế của các nước châu Âu khá khiêm tốn so với hàng ngàn tỷ đô của Mỹ và TQ đã tung ra.

Mới đây, chính phủ Pháp và Ý đã bảo lãnh cho Renault (Pháp) và Fiat (Ý) vay lần lượt là 5.6 và 8.7 tỷ USD nhằm hỗ trợ các hãng này. Nhưng xem chừng số này vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề. Renault vẫn phải cắt giảm bớt khoảng 15.000 nhân sự, con số này của Fiat là 10.000. Ông lớn Volkwagen của Đức tuy chưa phải nhờ chính phủ bảo lãnh nhưng cũng đã tuyên bố giảm tới 20% các chi phí dành cho các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) của hãng, cũng như nhiều hoạt động khác.

Thực tế, nền công nghiệp ô tô châu Âu vốn cũng đã gặp nhiều khó khăn từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Các hãng xe châu Âu vốn đã phải chịu cạnh tranh rất mạnh với các đối thủ trẻ hơn từ Mỹ và châu Á. Sau cuộc khủng hoảng 2008, thị trường co hẹp, tập trung vào một vài mảng xe thế mạnh, tìm kiếm các đối tác liên minh, thậm chí là bán mình sáp nhập để tồn tại. Những năm gần đây, với việc các chính phủ đều siết chặt vấn đề kiểm soát khí thải, các hãng lại phải tăng chi phí về nghiên cứu và phát triển các dòng xe điện, trong khi lợi nhuận dòng xe này trong tương lai gần là chưa có. Năm nay, COVID-19 lại tiếp tục giáng thêm một đòn chí mạng vào nền công nghiệp ô tô.

Với một bộ phận người tiêu dùng, khi mà các đại lý vẫn còn xe trong kho, các chính phủ vẫn đang tích cực kích cầu nền kinh tế, có thể ảnh hưởng còn chưa rõ ràng, nhưng về lâu về dài, sự suy giảm sản xuất, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại có thể gây ra nhiều ảnh hưởng lớn hơn nữa đến thị trường.

Tuy vậy, COVID-19 không phải chỉ mang đến toàn tin xấu đến cho ngành ô tô, các nghiên cứu đã cho thấy sau dịch COVID-19, người dân bắt đầu lo ngại hơn việc sử dụng các phương tiện công cộng vì sợ lây nhiễm, ưu ái hơn các phương tiện cá nhân, gia đình. Các thói quen mua sắm cũng thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ ngành chuyển phát, vận tải. Ngoài ra, người dân cũng ý thức hơn các tác động của môi trường tới con người, thúc đầy việc sử dụng và phát triển xe điện trong thời gian tới. Đây là những cơ hội không nhỏ cho các nhà sản xuất ô tô.