Volvo từ bỏ mảng sản xuất động cơ đốt trong: thời của xăng dầu sắp hết?

Như vậy, hãng xe có trụ sở tại Thụy Điển Volvo Cars đã sáp nhập hoàn toàn mảng sản xuất và phát triển các loại động cơ đốt trong của mình cho Geely để tập trung sản xuất động cơ điện.

Volvo là hãng xe hơi lớn nhất của Thụy Điển. Với thị trường chủ yếu là Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc, công ty nắm giữ nhiều thương hiệu xe sang và xe tải nặng nổi tiếng. Đây là công ty đứng thứ hai thế giới về sản xuất xe tải. Về động cơ, Volvo từ lâu nổi tiếng về sự chắc chắn và an toàn. Phía Geely, đây là hãng xe hơi hàng đầu Trung Quốc hiện nay với các thương hiệu chủ yếu ở thị trường nội địa như Lotus, Lynk, LEVC, Proton. Hãng đã mua lại Volvo Thụy Điển từ hãng Ford Mỹ vào năm 2010, Volvo vẫn độc lập trong hệ thống sản xuất và phát triển. Sự kết hợp này đã mang lại lợi nhuận lớn cho cả hai vào những năm đầu khi Geely có thể tiếp cận các công nghệ mới và cả các thị trường truyền thống của Volvo là Tây Âu và Mỹ, Volvo thì có linh kiện giá rẻ và xâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, năm vừa qua, sự chững lại của thị trường ô tô nói chung cũng như tác động của chiến tranh thương mại đã khiến lợi nhuận của cả hai lao dốc đáng kể, lên tới 40% với Geely và 30% với Volvo. Cùng với sự thắt chặt về kiểm soát khí thải động cơ từ các thị trường, việc sáp nhập hầu như là giải pháp tối ưu lúc này cho cả hai bên.

xedien.jpg

Thú vị hơn, việc sáp nhập này không có nghĩa là Geely thâu tóm mảng sản xuất động cơ của Volvo mà cả mảng sản xuất động cơ của cả hai công ty sẽ tách ra công ty mẹ để thành lập công ty độc lập, điều này cho phép bán động cơ cho cả các công ty đối thủ của cả hai, hoặc hình thành liên minh với cả các công ty khác. Volkswagen, công ty vốn có mối quan hệ mật thiết với Volvo và cũng đang tìm cách cải tổ lại dây chuyền sản xuất động cơ, đang xem xét khả năng tham gia với công ty mới này. 

Theo như giám đốc điều hành của Volvo, ông Hakan Samuelsson, đối với các doanh nghiệp nói chung, thị trường về động cơ đốt trong gần như không tăng trường. Hiện, dây chuyền Volvo hiện sản xuất khoảng 600.000 động cơ một năm với 3000 lao động, còn Geely là 2.000.000 động cơ một năm với 5000 lao động. Việc sáp nhập sẽ diễn ra toàn diện ở cả sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu phát triển,... "Sẽ không ai phải mất việc cả" như ông nói. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Volvo tiết kiệm chi phí nghiên cứu và phát triển động cơ đốt trong, đồng thời giảm đáng kể chi phí về linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Nó cho phép Volvo tập trung vào các dòng xe cao cấp và xe chạy bằng điện và hybrid. "Quan trọng nhất là phần phát triển, các kỹ sư sẽ có thêm nguồn lực để tập trung phát triển các dòng động cơ điện và hybrid hàng đầu mới", Hakan Samuelsson nói.

Các chuyên gia của Bloomberg đã đưa ra dự đoán, đến năm 2030, thị trường xe điện và hybrid sẽ chiếm khoảng 30% thị trường xe hơi toàn cầu, trong đó có một nửa là xe chạy hoàn toàn bằng điện. Theo kế hoạch của Volvo, tới năm 2025, xe chạy hoàn toàn bằng điện sẽ chiếm 50% tổng sản sản phẩm của hãng, còn lại sẽ là xe động cơ hybrid. Và tỷ lệ này sẽ còn tăng lên ở những năm tiếp theo. Như vậy, Volvo sẽ bỏ lại toàn bộ mảng xe chạy xăng và dầu để dồn lực cho cuộc đua điện khí hóa ô tô. 

thitruongxedien.png

Dự đoán về tốc độ phát triển của xe điện trong thời gian tới

Một điểm đáng lưu ý nữa là với việc hợp nhất được với một hãng sản xuất động cơ hàng đầu châu Âu cho thấy công nghệ và năng lực sản xuất của Trung Quốc đã đuổi kịp các tiêu chuẩn châu Âu. "Các yêu cầu về khí thải càng ngày càng khắt khe ở mọi nơi. Trung Quốc đang bắt kịp rất nhanh. Những ngày mà công nghệ Trung Quốc lỗi thời đã qua rồi". Giám đốc điều hành của Volvo nhận xét.

Nhìn chung, sự hợp nhất mảng sản xuất động cơ đốt trong của hai hãng là hợp tác có lợi cho đôi bên, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Xu hướng xe điện đang ngày càng rõ ràng trong tương lai. Tại các nước châu Âu, Mỹ và cả Trung Quốc các quy định về kiểm soát lượng khí thải từ động cơ đốt trong đang ngày càng được thắt chặt. Sức ép từ các chính phủ đang buộc các thương hiệu xe hàng đầu thế giới phải chi thêm hàng tỷ đô cho việc nghiên cứu và phát triển các dòng xe điện. Tuy vậy, công nghệ xe điện hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng, thị trường xe điện chưa đủ lớn để có thể bù đắp được những chi phí phát sinh cho quá trình phát triển dòng xe mới. Vì thế, tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất đang là bài toán cấp thiết trước mắt dành cho các nhà sản xuất xe hơi hiện nay. Còn về lâu dài chiến trường chính vẫn là xe điện hoặc nguồn năng lượng mới thân thiện hơn. Tuy nhiên, liều lĩnh từ bỏ mảng động cơ truyền thống như Volvo chưa chắc đã là phương pháp tốt, thành hay bại sẽ do tốc độ chuyển đổi thói quen của người dùng. Nếu tốc độ nhanh như trường hợp công nghệ smartphone, các hãng tiên phong như Volvo sẽ có lợi thế cực lớn, ngược lại, việc bung sức quá sớm rất dễ hụt hơi về lâu dài.