Xưởng dịch vụ ôtô - làm gì để sống qua mùa dịch?

Trước diễn biến dịch Covid-19 như hiện nay, khó dự đoán lúc nào dịch sẽ kết thúc, hay còn lan rộng và kéo dài. Ngành dịch vụ ôtô đang trải qua giai đoạn ảm đạm, buộc các chủ xưởng phải có những phương án chủ động để ứng phó.

Xưởng dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng ôtô - làm gì để sống qua mùa dịch? Một trong những yếu tố mang tính sống còn để xưởng tồn tại là cắt giảm tối đa chi phí cố định.

Chi phí cố định là khoản bắt buộc chúng ta phải chi trả, ngay cả lúc không có doanh thu. Vì vậy, cắt giảm tối đa khoản này là một yếu tố mang tính sống còn.

Chi phí mặt bằng

Thương lượng và bằng mọi cách buộc bên cho thuê miễn hoặc giảm giá thuê mặt bằng đến mức tối đa nhất. Mức giảm 30%, 50% hoặc 70% là một con số hợp lý cho cả 2 bên.

Nếu không thương lượng được, bạn buộc phải cứng rắn bằng cách trả mặt bằng để di dời đến địa điểm tốt hơn. Nền kinh tế mặt tiền sớm muộn gì cũng sẽ lỗi thời. Ở Thái Lan rất khó để tìm các garage ở mặt tiền đường chính. Còn ở Singapore, sẽ rất dễ dàng nhìn thấy các garage ôtô nằm sâu trong tầng hầm các tòa nhà hoặc chung cư.

Thợ đánh bóng lớp sơn bên ngoài tại một trung tâm chăm sóc xe ở TPHCM. Ảnh: Phạm Trung

Ngoài ra, nếu bạn không phải đi thuê mặt bằng (vốn chiếm đến 30% chi phí cố định) thì xin chúc mừng. Việc tồn tại qua dịch sẽ không là vấn đề quá lớn đối với trung tâm dịch vụ ôtô của bạn.

Chi phí lương nhân viên

Không một ông chủ nào muốn giảm lương của nhân viên, nhưng đây là lúc chúng ta phải ngồi lại thẳng thắn chia sẻ với nhau về vấn đề này. Đề xuất giảm 30% hoặc 50% lương trong mùa dịch không phải là vấn đề nhân viên không thể chia sẻ được.

Đối với các nhân sự cấp cao, việc giảm sâu hơn hoặc cắt hoàn toàn 1, 2 tháng thực ra cũng không ảnh hưởng nhiều đến tài chính của đối tượng này. Có nhiều lời khuyên là nên cắt giảm nhân sự, nhưng theo tôi là không. Chia sẻ cùng nhau để vượt qua khó khăn mới là điều đáng quý, đặc biệt là trong ngành dịch vụ ôtô khá đặc thù về nhân sự chuyên môn.

Chi phí quảng cáo

Các chương trình khuyến mãi, chi phí quảng cáo trên các nền tảng online (Facebook, Google) hay offline buộc phải cắt hết về 0. Vì dù chúng ta có bơm bao nhiêu tiền cho quảng cáo, khách hàng vẫn không thể mang xe đến xưởng trong mùa dịch.

Bên trong một xưởng dịch vụ ôtô ở Hà Nội. Ảnh: Đoàn Dũng

Bên trong một xưởng dịch vụ ôtô ở Hà Nội. Ảnh: Đoàn Dũng

Các hoạt động PR, branding thực sự cũng không cần thiết trong giai đoạn này. Lúc này, chúng ta cần ưu tiên cho các hoạt động chăm sóc khách hàng cũ bằng tin nhắn cá nhân hoặc ứng dụng kết nối online, fanpage... Việc này có thể dễ dàng tự làm hoặc với chi phí cực thấp. Nếu có đội ngũ, cần tập trung đào sâu hơn về nội dung, vì đây sẽ là thứ còn lại cho chúng ta sau dịch.

Các chi phí khác

Lãi vay, thuê xe tháng, điện, nước, internet... đều phải xem xét cắt giảm hoặc đưa về mức thấp nhất có thể.

Ngoài ra, cần xem xét lại nguồn vốn dự phòng hoặc các khoản vay nào có thể huy động được cho việc duy trì trung tâm trong 1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng tới. Chỉ đơn giản với vài gạch đầu dòng các chi phí cố định đã nêu ở trên và nhân với số tháng, bạn sẽ biết cần phải chuẩn bị sẵn thêm bao nhiêu cho thời gian tới.

Độc giả Quang Phú
(Giám đốc một hệ thống dịch vụ, chăm sóc xe hơi tại TP HCM)