Ấn Độ không muốn Tesla bán xe nhập từ Trung Quốc

Bộ trưởng Giao thông Nitin Gadkari nói rằng Tesla có thể tới Ấn Độ để sản xuất xe điện thay vì mang xe từ Trung Quốc sang bán.

Thông điệp đưa ra của vị bộ trưởng rất rõ ràng và không phải lần đầu tiên, rằng hãng xe điện Mỹ được chào đón tới mở cửa hàng, sản xuất xe rồi bán và xuất khẩu từ Ấn Độ, chứ không phải nhập khẩu xe từ Trung Quốc.

Tesla-5327-1651139203.jpg

"Nếu Elon Musk sẵn sàng sản xuất ở Ấn Độ thì không có vấn đề gì. Hãy tới Ấn Độ, bắt đầu sản xuất. Ấn Độ là một thị trường trọng điểm mà họ có thể xuất khẩu xe từ đây. Nhưng nếu anh ta muốn sản xuất ở Trung Quốc và bán ở Ấn Độ, thì đó không thể là một đề xuất hay", ông Gadkari nói trong một buổi họp chính phủ hôm 26/4.

Về phía Tesla, hãng được cho là đã hết hy vọng nhập khẩu và bán xe điện ở Ấn Độ, dù đã vận động hành lang đối với các quan chức ở New Dehli suốt gần một năm nhằm giảm thuế quan - thứ mà CEO Elon Musk nói rằng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Những nỗ lực của Tesla đi vào bế tắc khi hãng không đưa ra được một kế hoạch chắc chắn để đầu tư vào Ấn Độ - một bước đi có thể phù hợp với tầm nhìn "Make in India" (Sản xuất ở Ấn Độ) của Thủ tướng Narenda Modi nhằm thúc đẩy sản xuất tại địa phương và tạo ra thêm nhiều việc làm.

Trước đó, tháng 10/2021, ông Gadkari từng yêu cầu hãng xe điện Mỹ tránh việc bán ôtô sản xuất ở Trung Quốc tại Ấn Độ và nên sản xuất tại chỗ trong lúc hãng xe điện Mỹ chuẩn bị gia nhập thị trường đầy hứa hẹn ở quốc gia Nam Á. Gadkari đã lái một chiếc Tesla và nhận xét xe nhẹ và đẹp. Ông cũng nói rằng những công nghệ tương tự đã có ở Ấn Độ.

Vị bộ trưởng nói rằng chi phí sản xuất với Tesla ở Ấn Độ có thể thấp hơn nếu so với ở Trung Quốc. Ông cũng muốn Musk không chỉ lắp ráp xe tại Ấn Độ. Thay vào đó, Tesla nên thuê đối tác từ Ấn Độ vì chính phủ có thể dành cho hãng những đặc quyền cao hơn. Thêm nữa, chính phủ Ấn Độ cũng sẽ đảm bảo chi phí sản xuất với Tesla sẽ thấp nhất nếu so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Ở Ấn Độ, ôtô nhập khẩu, kể cả xe điện, bị đánh thuế 100% nếu giá CIF (giá thành, bảo hiểm và cước phí) vượt quá 40.000 USD, hoặc động cơ xăng, dầu có dung tích lớn hơn lần lượt là 3 lít và 2,5 lít. Với xe có giá CIF dưới 40.000 USD, thuế nhập khẩu là 60%.

Mỹ Anh (theo Reuters)