Ôtô điện giá rẻ - chìa khóa để Tata thống trị thị trường

Thay vì đầu tư mạnh vào nhà máy, dây chuyền sản xuất mới, Tata tận dụng mọi thứ có sẵn, dùng khung xe xăng để lắp động cơ điện.

Để làm mẫu xe điện đầu tiên dành cho thị trường nội địa, Tata sử dụng lại một mặt bằng sản xuất không còn dùng đến như một nhà máy chủ đạo. Nhưng ở đây không có dây chuyền sản xuất. Các thân xe của mẫu SUV Nexon vốn được thiết kế để trang bị động cơ xăng được lắp đặt lại hệ thống dây dẫn, và lắp gói pin. Tất cả đều làm thủ công.

Khu vực này - có thể bị nhầm là một phòng thí nghiệm - vốn chỉ làm ra 8 xe mỗi ngày. Nhưng nhu cầu tăng cao trong hai năm qua kể từ khi Nexon EV bán ra vào đầu năm 2020. Lúc này, Tata xuất xưởng hơn 100 xe mỗi ngày và phải dùng tới một nhà máy khác gần đó.

Dù khởi đầu xoàng xĩnh, Tata vẫn thống trị thị trường xe điện đầy non trẻ của Ấn Độ.

Tata-Nexon-EV-1-3125-1651655079.jpg

Điều đó tương phản sâu sắc với những hãng xe lớn khác vốn rót hàng tỷ USD vào công nghệ và trang bị để sản xuất xe điện từ lúc bắt đầu, dù cho thành công của Tata nhờ rất lớn vào sự hỗ trợ của chính phủ và mức thuế cao giúp ngăn cản việc nhập khẩu từ các đối thủ, như Tesla.

Bước chân vào thị trường chưa được thử thách đối với xe điện, Tata biết rằng phải làm ra một chiếc xe phù hợp với phần lớn khách hàng đặc biệt quan tâm tới chi phí bởi họ có thu nhập rất thấp. Thay vì xây dựng một nhà máy xe điện hay dây chuyền sản xuất có thể tốn kém và mất thời gian, hãng quyết định nhặt lấy một mẫu xe đã thành công và làm cho nó phù hợp để lắp một gói pin.

Nhà máy xe điện cho thị trường thuở sơ khai có thể cần khoản đầu tư kếch sù nằm im trong những thứ vẫn còn là tiềm năng, và Tata không muốn làm như thế, theo Anand Kulkarni, phó chủ tịch hãng. Tata giới hạn đầu tư ban đầu bằng việc dựa vào các công ty của tập đoàn để lấy nguồn linh kiện cũng như hạ tầng cho xe điện, và chọn dùng loại pin rẻ hơn.

Việc này giúp giá thành của Nexon EV chỉ khoảng 19.000 USD - không đủ rẻ cho phần lớn người dân, nhưng phù hợp với tầng lớp có thu nhập cao hơn và cũng không đắt hơn quá nhiều so với phiên bản cao cấp nhất của Nexon động cơ xăng.

Chỉ với hai sản phẩm là Nexon EV và Tigor EV, Tata chiếm 90% doanh số xe điện tại Ấn Độ, mang lại lợi thế hàng đầu dù xe điện chỉ chiếm 1% toàn thị trường.

Tháng 6/2021, Tata cho biết những kế hoạch tham vọng với việc ra mắt 10 mẫu xe điện tính đến hết tháng 3/2026. Chỉ riêng năm tài chính này, hãng muốn tăng gấp 4 lần số xe điện được sản xuất, đạt mức 80.000 xe.

Những tham vọng này thu hút một tỷ USD từ nhà đầu tư Mỹ, TPG. Tata cũng tự kiếm được một tỷ USD để lập ra các nhà máy xe điện và tính đến hết 2025, xe điện có chiếm 25% tổng doanh số của hãng, theo ước tính của giám đốc điều hành Shailesh Chandra.

Về dài hạn, Tata đang nghiên cứu và phát triển một nền tảng xe điện và muốn mẫu xe đầu tiên sử dụng kết cấu này ra mắt trong 2025. Hãng cũng đang đánh giá nhu cầu để có thể xây dựng một nhà máy riêng cho xe điện.

Trong khi đó, Tata có kế hoạch tùy chỉnh các nền tảng dùng cho động cơ đốt trong để sản xuất xe điện với những gói pin lớn hơn và hành trình dài hơn. Những mẫu này có thể bán ra trong khoảng hai năm tới.

Hiện Nexon EV có một hành trình khá khiêm tốn với chỉ khoảng 200 km mỗi lần sạc đầy. Tuy nhiên, quãng đường này đủ với phần lớn khách hàng tiềm năng ở Ấn Độ, theo một khảo sát của Tata, cũng là thứ khiến họ chọn pin lithium sắt phốt phát (LFP) 30 kWh của Gotion High Tech (Trung Quốc), rẻ hơn so với pin lithium-ion. Tata cũng cho rằng loại pin này an toàn hơn so với điều kiện thời tiết nhiệt đới của Ấn Độ. Gotion đang làm việc cùng Tata để lắp ráp gói pin và hệ thống quản lý pin.

Tata AutoComp - đơn vị cung cấp phần lớn linh kiện điện - là một trong số các hãng con của Tata. Tata Power thì đang thiết lập các trạm sạc, với Jaguar Land Rover đóng góp phần thiết kế. Trong khi Tata Chemicals có các nhà máy tái chế pin và sản xuất pin tại địa phương.

Khi Tata bắt đầu sản xuất xe điện trong năm 2020, phần lớn linh kiện được nhập khẩu. Ngày nay, Tata AutoComp sản xuất khoảng 50% linh kiện này. Mọi thứ của động cơ, trừ nam châm, sẽ được sản xuất tại Ấn Độ trong vài năm tới.

Nhưng kinh doanh xe điện vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Chính phủ Ấn Độ muốn 30% xe con bán ra ở thị trường nội địa là xe điện tính đến hết 2030. Trong khi mục tiêu có vẻ khả quan, thì cuộc cạnh tranh sẽ sớm diễn ra gay gắt.

Hyundai và Kia có kế hoạch bắt đầu bán xe điện ở Ấn Độ trong năm nay, dù các mẫu xe của họ lớn hơn và đắt hơn so với đối thủ Ấn Độ. Những kỳ vọng cũng rất cao đối với những đối thủ cung cấp các mẫu xe hybrid xăng-điện, như của Toyota và Suzuki.

Cũng giống các hãng xe khác, Tata đang hối hả tìm nguồn chip giữa tình hình chưa mấy sáng sủa trên toàn cầu. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các đơn hàng xe điện bị đình trệ hàng tháng trời.

Lúc này, Tata vẫn đảm bảo vai trò thống trị thị trường xe điện nội địa. Riêng trong tháng 4 vừa qua, hãng bán được 2.322 xe điện, so với chỉ 581 xe cùng kỳ 2021.

Mỹ Anh (theo Reuters)